Điểm mới trong trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

Điểm mới trong trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

Một làviệc niêm yết thông tin ĐGTS được công khai rộng rãi, minh bạch; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá (Luật Đấu giá quy định khoản tiền đặt trước do người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức ĐGTS và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức tiền đặt trước ở Nghị định số 17/2010/NĐ-CP tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá); thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng bất hợp pháp hoặc gây thất thoát khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản của người tham gia đấu giá.
Để đảm bảo cuộc đấu giá được khách quan, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia đấu giá để bán được tài sản với giá cao nhất, Luật Đấu giá tài sản quy định, người có tài sản đấu giá, tổ chức ĐGTS không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài các điều kiện mà pháp luật quy định, đồng thời, quy định cụ thể thời gian, nội dung niêm yết việc ĐGTS; những trường hợp không được đăng ký tham gia ĐGTS; việc xử lý khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá. 
Hai là, để minh bạch hóa, công khai hóa hơn nữa quá trình ĐGTS, khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng, dìm giá và tình trạng người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá, ngoài hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói và đấu giá bằng bỏ phiếu như quy định trước, Luật bổ sung hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu (bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và bỏ phiếu gián tiếp), đấu giá trực tuyến và các hình thức khác. Bên cạnh đó, ngoài phương thức trả giá lên theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật bổ sung phương thức đặt giá xuống nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc sở hữu của mình xử lý tài sản đó một cách nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc bổ sung phương thức đặt giá xuống cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động ĐGTS tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế. Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề ĐGTS đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến, ví dụ như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia…
Ba là, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá, theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức ĐGTS dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá; người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.
Bốn là, để khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định những người không được tham gia đấu giá: “… Người làm việc trong tổ chức bán ĐGTS, nơi thực hiện bán ĐGTS đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của người đó…”, điều này dẫn đến hạn chế quyền được mua tài sản của những người quy định trên, nếu họ thực sự có nhu cầu cũng không được đăng ký tham gia ĐGTS. Luật Đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 38 đã quy đinh cụ thể về những người không được đăng ký tham gia đấu giá: “… Người làm việc trong tổ chức ĐGTS thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản…” . Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm quyền con người được quy định tại Hiến pháp.
Năm làquy định các trường hợp hủy kết quả ĐGTS đảm bảo chặt chẽ, khách quan nhằm hạn chế các hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, dìm giá, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động ĐGTS và quy định của pháp luật về dân sự.
Sáu là, bên cạnh trình tự, thủ tục đấu giá chung, Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung quy định thủ tục đấu giá rút gọn để tạo điều kiện xử lý nhanh, phù hợp với thực tiễn đối với một số trường hợp đặc thù, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc xử lý tài sản như: (i) Tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu mà giá khởi điểm của tất cả tài sản đấu giá trong một cuộc đấu giá dưới 50 triệu đồng; (ii) Đấu giá lại trong trường hợp đã đấu giá lần thứ hai nhưng vẫn không thành; (iii) ĐGTS thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn.